Bên cạnh việc tham khảo các tài liệu về từ vựng, ngữ pháp, chúng tôi khuyên bạn nên thường xuyên luyện tập với các đề luyện thi Năng lực tiếng Nhật của các năm trước để có cơ hội cọ sát, và hiểu cấu trúc đề thi như thế nào. Chúng tôi sẽ đưa ra một vài lời khuyên dựa vào kinh nghiệm cá nhân và giới thiệu một vài nguồn tài liệu mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ giúp ích cho bạn.
"Học tài thi phận" trước giờ luôn ám ảnh với những thí sinh trong những kì thi quan trọng. Vậy có phương pháp luyện thi tiếng Nhật nào hiệu quả, đặc biệt là với kì thi năng lực tiếng Nhật JLPT, để tránh cảnh học thật nhiều mà thi chẳng được bao nhiêu không?
Tất nhiên là có rồi, hãy đọc kĩ những nội dung chia sẻ của Du học quốc tế Haru để trang bị cho mình một phương pháp luyện thi tiếng Nhật hiệu quả nhất nhé.
1. Từ vựng 文字・語彙 (moji・goi)
Một vài người sợ phần này, đặc biệt là những người phương Tây. Có thể bởi vì nhiều câu hỏi dựa trên các ký tự Kanji mà đối với họ là điểm yếu. Điều này đặc biệt đúng với các bài thi cấp độ cao hơn (N1 và N2).
Không có cách nào ôn tập từ vựng hiệu quả ngoài việc bạn phải học thật chăm chỉ.
Hãy tạo thói quen để nhớ ít nhất 10 từ mới mỗi ngày. Nếu bạn có thể nhớ nhiều từ hơn thì càng tốt. Việc ghi nhớ không chỉ là nhớ nghĩa của từ mà còn phải nhớ cả cách đọc của chúng nữa (cách đọc với Hiragana), bởi vì bài thi bao gồm cả phần cách đọc của từ vựng.
Đây có vẻ là điều cực kỳ nhàm chán. Nhưng nghe này, chúng rất có tác dụng. Nếu bạn đủ kiên nhẫn, bạn có thể tăng vốn từ vựng của bạn thêm 3000 từ một năm. Con số quá khủng phải không nào.
Bạn càng biết nhiều từ vựng tiếng Nhật, bạn càng có khả năng chọn đáp án đúng ở phần thi này đấy.
2. Văn phạm 文法 (bunpou)
Ngữ pháp thường là phần dễ hơn trong bài thi. Phần này kiểm tra kỹ năng về ngữ pháp tiếng Nhật được yêu cầu ở cấp độ bạn thi dưới dạng ý nghĩa và cách dùng. Cách dùng bao gồm ngữ pháp để tạo câu như thế nào, dùng thể từ điển, thể te, hiện tại hay quá khứ…
Khi bạn đã học và hiểu về ý nghĩa và cách dùng của các cấu trúc ngữ pháp, cũng như luyện tập rất nhiều với các câu hỏi ngữ pháp của các năm trước, sẽ không khó để bạn có thể kiếm điểm cao ở phần này.
Ngoài ra việc có một vốn ngữ pháp tốt cũng giúp bạn hiểu các bài báo dễ dàng hơn trong phần đọc.
3. Đọc hiểu 読解 (dokkai)
Phần đọc hiểu tiếng Nhật được chú ý hơn với các cấp độ cao (N1 và N2).
Nhiều người yếu trong phần đọc hiểu và điểm tổng của họ thường bị kéo xuống bởi phần này vì nó chiếm nhiều điểm nhất. Có thể là do có nhiều Kanji chưa học ở trong các bài đọc mà họ không quen hoặc chưa từng gặp trước đây.
Bên cạnh đó, mọi người thường có xu hướng tiêu tốn nhiều thời gian cho phần này để rồi sau đó nhận ra họ còn rất ít thời gian cho các phần khác. Đối với phần này, chúng tôi khuyên các bạn hãy làm phần ngữ pháp và từ vựng trước bởi vì thời gian cho các phần này là ít, cố định hơn và cũng dễ hoàn thành hơn. Phần đọc luôn luôn là phần cuối cùng cho tới khi bạn đã hoàn thành các phần khác trước.
Nếu bạn đọc chậm, chúng tôi khuyên bạn hãy đọc các đoạn ngắn trước. Điều này có nghĩa là bắt đầu đọc và trả lời các câu hỏi từ cuối bởi vì thường thì 2 bài đọc đầu tiên là phần dài nhất và chứa nhiều câu hỏi nhất.
Điểm mấu chốt trong việc đọc là không phải hiểu toàn bộ bài đọc mà phải hiểu câu hỏi đang hỏi cái gì. Do đó tôi khuyên bạn hãy đọc câu hỏi trước. Hầu hết các phần liên quan tới câu hỏi sẽ được gạch dưới trong bài đọc và câu trả lời có thể được tìm thấy trong một vài câu ở trước hoặc sau nó.
Bạn cũng phải có một vốn ngữ pháp thật tốt bởi vì nếu bạn không hiểu ngữ pháp bạn sẽ dễ hiểu nhầm ý nghĩa thực tế của các câu quan trọng chứa câu trả lời.
4. Nghe hiểu 聴解 (choukai)
Nghe được coi là phần khó nhất đối với hầu hết các thí sinh bởi vì trong suốt bài thi bạn chỉ có một lần để nghe các câu hỏi và phải trả lời nó ngay lập tức, ngay cả khi bạn quên câu hỏi hoặc không hiểu chúng tí nào. Và không có thời gian để quay lại các câu hỏi trước mà bạn đã quên.
Trừ khi bạn đang sống ở Nhật bản, cách duy nhất để cải thiện kỹ năng nghe là nghe tiếng Nhật nhiều hơn, có thể thông qua các bài luyện nghe tiếng Nhật online hoặc các đĩa CD.
Bên cạnh nghe các tin tức bằng tiếng Nhật và xem các buổi truyền hình (đối với các cấp độ cao) bạn có thể luyện tập thêm với các đĩa CD của các đề thi Năng lực tiếng Nhật các năm trước nhiều lần.
Làm các điều sau càng nhiều càng tốt:
1. Nghe ít nhất 5 lần không nhìn vào lời thoại
2. Sau khi đọc lời thoại một lần, nghe lại ít nhất 5 lần nữa
3. Nghe cùng với lời thoại ít nhất 3 lần nữa
4. Không nhìn vào lời thoại, cố gắng đọc to khi bạn nghe ở 3 lần tiếp nữa
Mặc dù nghe theo cách trên rất tốn thời gian nhưng nó rất hiệu quả để bạn quen với các loại câu hỏi có trong bài thi.