Hầu hết du học sinh Việt Nam sang Nhật học tập đều mong muốn được đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, một phần để trả nợ học phí, phần khác để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những quy định về việc cho du học sinh làm thêm của Chính phủ Nhật, nhất là những việc làm thêm bị cấm.
Mặc dù theo điều tra của JASSO, có hơn 75% du học sinh Việt Nam đang đi làm thêm tại Nhật Bản. Tuy nhiên về nguyên tắc, du học sinh bị cấm đi làm thêm trừ khi được sự cho phép của Cục quản lý nhập cảnh và phải tuân theo những quy định đặt ra. Vậy, để được làm thêm thì phải làm gì?
Xin Giấy phép đi làm thêm
"Giấy phép đi làm thêm" là văn bản được Cục quản lý nhập cảnh Nhật Bản cấp cho du học sinh khi họ có đủ điều kiện theo yêu cầu. Giấy phép này vẫn có hiệu lực dù bạn có thay đổi chỗ làm.
Ngoài ra, khi bạn đi xin gia hạn tư cách lưu trú, bạn có thể đồng thời xin cấp "Giấy phép đi làm thêm" mới nếu muốn.
Những giấy tờ cần thiết khi xin cấp bao gồm:
- Hộ chiếu (chỉ cần trình diện);
- Đơn xin cấp giấy phép đi làm thêm (có sẵn ở Cục quản lý nhập cảnh).
Việc xin Giấy cho phép đi làm thêm hoàn toàn được miễn phí, nên bạn hoàn toàn không cần chuẩn bị tài chính gì khi đến Cục quản lý nhập cảnh.
Điều kiện để được đi làm thêm tại Nhật Bản:
- Trước hết, bạn phải đảm bảo việc làm thêm không được ảnh hưởng đến việc học tại trường;
- Bạn chỉ được cho phép làm thêm nếu mục đích đi làm thêm là để trang trải học phí và các chi phí sinh hoạt khác trong quá trình du học, không chấp nhận lý do làm để tiết kiệm hay gửi về nhà;
- Một tuần làm thêm nhiều nhất 28 tiếng (trong thời gian nghỉ lễ dài có thể làm 8 tiếng/ngày);
- Chỉ làm thêm trong thời gian đang theo học tại các cơ sở đào tạo;
- Tuyệt đối không làm các công việc làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, phong tục tập quán và tư cách đạo đức của du học sinh.
Những công việc làm thêm bị cấm ở Nhật Bản
Những công việc bị cấm làm thêm đối với du học sinh là những công việc liên quan tới ngành giải trí như quán Bar, câu lạc bộ ăn chơi (hot club), vũ trường,... Cụ thể như sau:
- Việc tiếp khách không lành mạnh
- Quán rượu, bia ôm
- Quán cà phê, bar đèn mờ (đèn chiếu sáng dưới 10 lux)
- Quán mát-xa đồi trụy
- Quán mạt trượt
- Múa thoát y
- Hiệu Pachinko-slot
- Khách sạn phục vụ tình nhân
- Cửa hàng băng đĩa đồi trụy hay kinh doanh cung cấp băng đĩa đồi trụy
- Hiệu bán sex toy
- Kinh doanh đồi trụy bằng điện thoại
- Gián tiếp làm những công việc như dọn dẹp, nấu ăn, lễ tân, phát tờ rơi, giấy ăn ở những nơi kể trên cũng là vi phạm, xử phạt như người làm trực tiếp.
Nếu du học sinh bị phát hiện làm những việc không lành mạnh kể trên sẽ bị bắt, xử lý nghiêm khắc, phạt tiền và cưỡng chế về nước. Vì vậy, hãy tránh xa mọi lời rủ rê và cám dỗ bởi đồng tiền mà làm những công việc không lành mạnh này nhé!