icon icon icon
Số 8/ 282 Lạc Long Quân, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội

NHỮNG LƯU Ý KHI NUÔI THÚ CƯNG TẠI NHẬT BẢN

Người đăng: Đào Thị Hồng Ngát - 21/07/2023

Thông thường, khi nhắc tới thú cưng, người ta sẽ nghĩ ngay tới chó hoặc mèo, tuy nhiên, ở Nhật Bản, bạn còn có thể nuôi một số loài động vật khác, chẳng hạn như các loài bò sát, các loại động vật nhỏ, các loại thuỷ sinh, chim chóc,…

Nuôi thú cưng tại Nhật và những điều bạn nên biết - tsunagu Local

Đối với bò sát, bạn có thể nuôi rùa, thằn lằn, cự đà, tắc kè hoa, rắn,… Tuy nhiên, để có thể mua và nuôi các loài động vật này, bạn cần phải xin “Giấy phép nuôi dưỡng và lưu giữ động vật đặc biệt” tại chính quyền địa phương nơi bạn sinh sống.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nuôi một số loài động vật nhỏ như chuột hamster, thỏ, sóc, chồn,… Các loài động vật này rất được yêu thích bởi kích thước nhỏ và việc chăm sóc cũng đơn giản hơn so với chó, mèo.

Nếu bạn có niềm yêu thích với các loài thuỷ sinh thì cũng có thể cân nhắc đến việc nuôi cá vàng, cá chép, cá bảy màu,… Nhưng bạn cũng cần nhớ rằng việc nuôi cá cũng đòi hỏi một sự đầu tư khá nhiều cho hệ thống lọc nước và tiểu cảnh.

Còn nếu bạn đang băn khoăn liệu căn nhà của bạn không quá rộng thì có thể nuôi loài vật nào thì các loại chim sẽ là lựa chọn tuyệt vời đó! Các loài vẹt, chim sẻ,… có thể được nuôi trong lồng nên rất tiện lợi.

Làm sao để nuôi thú cưng tại Nhật?

Nếu muốn sở hữu một bé thú cưng tại Nhật, bạn có thể mua hoặc nhận nuôi từ các trung tâm cứu trợ động vật.

Ở Nhật, giá thành của một chú cún hay một bé mèo đều không hề rẻ. Mức giá cho một chú chó hay mèo ở Nhật tuỳ thuộc vào giống và các đặc điểm của từng loại mà có sự chênh lệch khá nhiều. Trung bình một chú chó ở Nhật có giá khoảng từ 200.000 – 500.000 yên (tương đương 44 – 110 triệu VNĐ) và giá một chú mèo là khoảng 100.000 – 170.000 yên (tương đương 22 – 36 triệu VNĐ). Bạn có thể tham khảo việc mua một bé thú cưng trên các trang web bán thú cưng tại Nhật hoặc đến trực tiếp các cửa hàng bán thú cưng để tìm bé thú mà bạn muốn nuôi.

Một số cửa hàng thú cưng tại Tokyo:

  • Kojima – Meguro Store

Địa chỉ: 2-15-12 Meguro, Meguro City, Tokyo Google Map

Thời gian mở cửa: 11:00 – 19:00 (Thứ 2 – Thứ 6), 10:00 – 20:00 (Thứ Bảy, Chủ nhật)

Trang web: https://pets-kojima.com/

  • Coo & RIKU Shinjuku Sanchome Pet Shop

Địa chỉ: 3-1-30 Shinjuku, Shinjuku City, Tokyo Google Map

Thời gian mở cửa: 11:00 – 19:00 (Thứ 2 – Thứ 6), 10:00 – 20:00 (Thứ Bảy, Chủ nhật)
Trang web: https://www.pet-coo.com/

  • PetPlus

Địa chỉ: Tầng 1, AQUA CITY ODAIBA, 1-7-1, Minato-ku, Tokyo

Thời gian mở cửa: 11:00 – 19:00

Trang web: https://www.ahb.jpn.com/

  • P’s first

Địa chỉ: Tầng 1 Odaiba VenusFort, 1-3-15, Aomi, Koto, Tokyo Google Map

Thời gian mở cửa: 11:00 – 20:00

Trang web: https://pfirst.jp/

Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận nuôi những bé thú cưng bị lạc hoặc bị bỏ rơi qua các trung tâm cứu trợ động vật tại Nhật Bản. Ở Nhật có một số tổ chức cứu trợ động vật chăm sóc các bé chó, mèo bị bị bỏ rơi, bị lạc hoặc bị bạo hành. Các bé thú khi được đem về các trung tâm này sẽ được chăm sóc, chữa trị và tìm chủ mới. Để có thể nhận nuôi các bé chó, mèo từ trung tâm cứu trợ, bạn cần phải đăng ký, thảo luận với nhân viên cũng như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định của trung tâm cứu trợ.

Bạn có thể tham khảo về việc nhận nuôi chó, mèo từ trung tâm cứu trợ ở một số địa chỉ sau:

・Tổ chức Japan Animal Trust: https://happyhouse.or.jp/satooya
・Tổ chức phi lợi nhuận Life Boat: https://www.lifeboat.or.jp/
・Tổ chức phi lợi nhuận Tokyo Cat Guardian: https://tokyocatguardian.org/

Tại sao người Nhật lại thích thú cưng hơn là trở thành cha mẹ? - WOM JAPAN

Điều kiện để nuôi thú cưng ở Nhật

Ở Nhật Bản, không phải bất cứ nhà ở nào cũng cho phép sống cùng thú nuôi. Do đó, nếu bạn muốn nuôi thú cưng, hãy xác nhận chắc chắn rằng nơi bạn sinh sống được phép nuôi động vật. Khi đi thuê nhà ở Nhật, thông thường trên bản thông tin chi tiết về bất động sản sẽ có ghi ペット可 (có thể nuôi thú cưng) hoặc ペット不可 (không thể nuôi thú cưng). Nếu không tìm thấy thông tin này, bạn hãy xác nhận lại với chủ nhà và công ty môi giới bất động sản để chắc chắn rằng nơi bạn ở được phép nuôi động vật.

Việc nuôi thú cưng trong nhà đòi hỏi một không gian rộng rãi và hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho cả chủ nuôi và thú cưng. Tuỳ vào giống loài, quá trình sinh trưởng mà kích thước hay các điều kiện cần của các bé thú cưng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng thú cưng được nuôi trong nhà có nguy cơ bị căng thẳng, thậm chí là trầm cảm rất cao, nên hãy đảm bảo chúng được sống trong một không gian vận động thoải mái nhé!

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý xem căn nhà của mình có cách âm tốt hay không. Cho dù nhà của bạn ở cho phép nuôi thú cưng nhưng nếu việc đó gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh thì chắc bạn sẽ cần phải cân nhắc thêm. Việc các bé thú cưng, đặc biệt là các bé cún, kêu gào và chạy đùa có thể gây cảm giác khó chịu cho các hộ gia đình xung quanh. Nếu bị phản ánh, bạn có thể sẽ không được phép tiếp tục nuôi động vật tại nơi sinh sống nữa.

Đăng ký thông tin, mua bảo hiểm cho thú cưng như thế nào?

Để đảm bảo an toàn và quản lý tốt thú nuôi, bạn sẽ phải làm các loại thủ tục đăng ký và mua bảo hiểm cho bé thú cưng của mình.

Đối với chó, bạn phải làm thủ tục đăng ký thông tin cho chúng. Chó sau khi sinh sẽ phải đăng ký thông tin ngay. Nếu chó được sinh sau 90 ngày hoặc trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận nuôi phải được đăng ký thông tin ở Uỷ ban quận, huyện của địa phương nơi bạn sinh sống. Sau khi đăng ký, mỗi chú chó sẽ được phát một biển tên để đeo ở cổ. Đây là quy định bắt buộc của Chính phủ Nhật Bản trong Luật phòng chống bệnh dại. Cùng với đó, khi chuyển đi nơi khác sinh sống, bạn cũng cần phải làm các thủ tục thông báo chuyển nơi ở cho chú cún của mình.

Tuy nhiên, đối với mèo thì khác. Ngoại trừ một số địa phương quy định riêng, về cơ bản bạn sẽ không cần phải đăng ký thông tin nuôi mèo.

Thú cưng cũng là những thực thể sống, cũng sẽ có lúc chúng bị bệnh và cần chữa trị. Dù là động vật nhưng chi phí khám chữa bệnh cho thú cưng cũng có thể tốn một khoản lớn. Do đó, bạn cũng cần đăng ký bảo hiểm cho thú cưng của mình. Thông thường, nếu bạn mua thú cưng tại các cửa hàng thú cưng, nhân viên sẽ giới thiệu các loại bảo hiểm để bạn có thể đăng ký.

Đảm bảo thú cưng không gây ảnh hưởng đến người khác

Người Nhật rất coi trọng không gian riêng của những người xung quanh, bất kể là việc gì, họ luôn cố gắng để không làm phiền đến người khác và việc nuôi thú cưng cũng không phải là ngoại lệ. Sẽ có một số điều bạn cần lưu ý để không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh khi sở hữu thú cưng.

Chú ý giữ vệ sinh môi trường xung quanh

Việc giữ vệ sinh nơi công cộng ở Nhật rất được chú trọng. Không chỉ vứt rác bừa bãi mà ngay cả việc để thú cưng “đi bậy” cũng có thể khiến bạn bị phạt nặng. Thông thường mọi người sẽ phải chuẩn bị sẵn túi đựng phân, giấy và nước để có thể xử lý ngay nếu như thú cưng đi bậy ngoài đường. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên thả rông thú nuôi ngoài đường mà cần đi cùng để giám sát chúng.

Không để thú cưng gây thương tích cho người khác

Cho dù những chú thú cưng của bạn có ngoan và dễ bảo đến đâu thì bạn cũng không thể đảm bảo một trăm phần trăm rằng chúng sẽ không gây thương tích cho những người xung quanh và chủ quan trong các biện pháp phòng tránh, đặc biệt là khi đưa thú cưng ra đường. Những người nuôi thú cưng tại Nhật luôn phải giữ thú cưng của mình ở khoảng cách an toàn với những người xung quanh bằng dây xích. Những chú chó lớn sẽ phải đeo rọ mõm để đảm bảo chúng sẽ không tấn công người đi đường.

Một điều đáng lưu ý nữa là hầu hết các phương tiện giao thông công cộng, nhà hàng, cửa hàng, địa điểm vui chơi giải trí không cho phép dẫn theo thú cưng để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho những người cùng sử dụng dịch vụ. Vì thế hãy xác nhận với nhân viên phụ trách trước khi bạn có ý định đưa thú nuôi của mình vào khu dịch vụ.

Tiêm phòng bệnh cho thú cưng

Cũng giống như người, thú cưng cũng có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm, để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tiêm phòng cho chúng. Hiện nay có rất nhiều loại vắc-xin phòng bệnh cho động vật, tuỳ vào giống loài vật nuôi và nhu cầu của chủ nhân mà thú cưng có thể tiêm phòng các loại vắc-xin khác nhau. Nhưng một loại vắc-xin mà chắc chắn bất cứ chú chó nào cũng phải tiêm phòng là vắc-xin phòng dại. Đây là bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus, tồn tại trong nước bọt của những động vật nhiễm bệnh và lây nhiễm cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn.

Bệnh dại rất nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cao. Việc tiêm phòng dại sẽ bắt buộc phải thực hiện mỗi năm 1 lần, vào khoảng từ tháng 4 – 6 tại địa phương nơi bạn sinh sống. Sau khi tiêm phòng, mỗi chú chó sẽ được cấp một giấy chứng nhận đã tiêm phòng dại. Trường hợp không thể đưa chó đi tiêm phòng dại trong thời gian quy định, chủ nhân của những chú chó phải đem chúng tới các bệnh viện thú y để tiêm phòng, nhận giấy chứng nhận và nộp lại cho cơ quan hành chính địa phương.

Không sinh con, người Trung Quốc đổ tiền cho thú cưng - Tuổi Trẻ Online

Những vấn đề thường gặp khi nuôi thú cưng ở Nhật

Thú cưng cắn người

Mặc dù trong quá trình nuôi thú cưng, bạn đã cố gắng để vật nuôi của mình không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh nhưng cũng không thể loại trừ khả năng tai nạn hy hữu xảy ra. Nếu chú chó của bạn vô tình cắn người, hãy nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân và đưa họ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để khám chữa. Đồng thời, hãy truyền đạt lại đầy đủ về việc nạn nhân bị chó cắn thế nào, lý lịch tiêm phòng dại của chú chó đó ra sao để bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho nạn nhân. Sự cố này cũng phải được báo cáo tới cơ quan bảo hiểm gần nhất để nhận hướng dẫn đưa thú cưng của bạn tới khám thú y.

Thú cưng đi lạc

Khi thú cưng đi lạc bạn hãy trình báo ngay với cơ quan bảo hiểm hoặc sở cảnh sát địa phương nơi bạn sinh sống để cùng phối hợp tìm kiếm chúng. Các đặc điểm thông tin cung cấp càng chi tiết càng có lợi cho quá trình tìm kiếm, ví dụ như: giống loài, giới tính, kích cỡ, màu lông, cổ đeo biển như thế nào,… Hiện nay, ở một số cửa hàng bán thú nuôi có gắn microchip lên các bé thú cưng để chủ nhân của chúng có thể dễ dàng quản lý vật nuôi của mình. Việc này cũng giúp quá trình tìm kiếm và xác nhận thông tin của các bé thú cưng đi lạc hay bị tai nạn trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.

Thú cưng bị bệnh

Cũng giống như con người, thú cưng cũng có thể nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Khi thú cưng có dấu hiệu bị bệnh, hãy nhanh chóng đưa chúng tới bệnh viện thú y gần nhất để khám chữa kịp thời. Khi tìm bệnh viện cho thú cưng, bạn nên cân nhắc một số điểm sau:

  • Bệnh viện/Phòng khám đó có sạch sẽ không?
  • Bác sĩ thú ý và nhân viên có yêu động vật không?
  • Kỹ thuật và kinh nghiệm của bác sĩ và nhân viên bệnh viện/phòng khám thú ý có tốt không?
  • Bác sĩ và nhân viên phòng khám/bệnh viện có thể khám cho thú cưng của bạn ngoài giờ làm việc không? Nếu không, họ có thể giới thiệu cho bạn bác sĩ khác không?

Khác với con người, đôi khi khả năng chịu đựng và sức đề kháng của các loài vật có thể kém hơn. Khi có vấn đề xảy ra, nếu không được cứu chữa kịp thời, rất có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc lựa chọn một bệnh viện hay phòng khám thú y uy tín sẽ là việc rất quan trọng khi bạn nuôi thú cưng. Nếu có thể, hãy lựa chọn những phòng khám, bệnh viện thú y gần nhà để tiện ứng biến khi cần thiết.

Ngoài ra, để thú nuôi luôn khỏe mạnh, người nuôi cần chú ý đến thói quen ăn uống, môi trường sống và cảm xúc của thú nuôi. Đặc biệt ở các thành phố lớn, thú nuôi thường bị nhốt trong nhà nhiều, điều này có thể dẫn đến trầm cảm ở vật nuôi. Hãy dành thời gian để chơi với thú cưng nếu bạn có thể nhé!

Khi thú cưng qua đời

Khi thú cưng không may qua đời, bạn có thể chôn cất hoặc hoả táng cho chúng tại những địa điểm hỏa táng dành cho động vật ở địa phương nơi bạn sinh sống. Trong trường hợp không biết phải xử lý thế nào, bạn có thể sử dụng dịch vụ tang lễ dành cho thú cưng với mức phí khoảng từ 8.500 yên trở lên.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Công ty cổ phần giáo dục và quốc tế - Haru

Đăng ký nhận tư vấn