Nghề đầu bếp là một trong những nghề đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo, và niềm đam mê mãnh liệt với ẩm thực. Đầu bếp không chỉ là người nấu ăn, mà còn là người nghệ sĩ, tạo ra những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn bắt mắt và có giá trị về mặt thẩm mỹ. Họ có vai trò quan trọng trong việc mang đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo, thỏa mãn nhu cầu ẩm thực của thực khách.
1. Nghề đầu bếp là gì?
Người đầu bếp là người nghệ sĩ, còn những món ăn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Đầu bếp được hiểu một cách đơn giản là người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra những món ăn trong nhà hàng, khách sạn.
Các công việc của một đầu bếp có thể kể đến như:
-
Đảm bảo đầy đủ các nguyên liệu, dụng cụ cần thiết để chế biến các món ăn.
-
Vệ sinh liên tục các dụng cụ, nguyên liệu, khu vực nấu ăn nhằm đảm bảo các món ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
-
Phối hợp cùng với quản lý bộ phận lên thực đơn cho quán.
-
Chế biến các món ăn theo order của khách hàng.
-
Kết hợp với các đầu bếp khác, phụ bếp trong quá trình hoàn thiện món ăn.
2. Đồng phục đầu bếp
Đồng phục bếp gồm có mũ, áo, khăn quàng, quần. Trong đó, mũ đầu bếp là đặc biệt nhất
-
Mũ nồi (Beret): Mũ hình trụ ngắn, vành tròn
-
Mũ hình trụ đơn thuần (Skull cap)
-
Mũ xếp nếp hình trụ ông màu trắng (Toque)
-
Mũ có vành tròn vừa đâu, phần trên phồng ((Flared Toque)
-
Loại khăn rằn của đầu bếp (Chef wrap)
3. Những yêu cầu cơ bản để trở thành người đầu bếp chuyên nghiệp
3.1 Kiến thức
Ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản về ẩm thực, nghề đầu bếp còn phải thực hiện một số công việc khác như chuẩn bị nguyên vật liệu, chế biến, nấu nướng, lên menu, bày trí món ăn,... Vì vậy, để có thể theo đuổi nghề đầu bếp lâu dài, bạn phải luôn trau dồi kiến thức và liên tục rèn luyện những kỹ năng mềm nhằm đáp ứng tình hình công việc thực tế.
3.2 Sự chăm chỉ, tinh thần học hỏi
Người đầu bếp cần có sự chăm chỉ và tinh thần học hỏi, tìm hiểu công thức nấu ăn ở nhiều nguồn khác nhau để mở mang kiến thức, trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp trong tương lai. Việc bản thân tự học sẽ đem lại rất nhiều kết quả tích cực tạo nên những món ăn lạ mang phong cách riêng của chính bạn.
3.3 Tính tỉ mỉ, thận trọng trong công việc
Ngành chế biến thực phẩm luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng trong công việc. Do đó, ở bất cứ khâu chế biến nào bạn đều phải tuân theo các nguyên tắc được quy định để tránh xảy ra các sự cố. Việc thận trọng này không chỉ giúp công việc của bạn sẽ được đảm bảo an toàn mà còn đem lại những mặt tốt trong thao tác làm việc của người đầu bếp.
3.4 Khả năng nhạy cảm với mùi vị
Một người đầu bếp giỏi phải hiểu rõ về ẩm thực đặc biệt là cảm nhận tốt về mùi vị. Kỹ năng này phải được trau dồi qua từ những kinh nghiệm thực tế cùng sự hướng dẫn từ các thầy cô giỏi. Thực hành nhiều kết hợp cùng các kiến thực có được theo thời gian sẽ đem đến cho bạn những cơ hội đáng mơ ước.
3.5 Kỹ năng sáng tạo
Chế biến các món ăn cũng như việc vẽ nên một bức tranh nghệ thuật mỹ miều, tất cả đều đòi hỏi sự sáng tạo đột phá. Mỗi người đầu bếp sáng tạo nên các món ăn thông qua cách bày trí đẹp cũng đã nói lên dấu ấn riêng của họ. Kỹ năng sáng tạo ở tùng món ăn sẽ đem đến cho thực khách những trải nghiệm mới mẻ, cảm nhận được nét riêng của từng món ăn mà đầu bếp chuẩn bị.
3.6 Kỹ năng tổ chức, quản lý
Quá trình phát triển sự nghiệp về lâu dài đòi hỏi bạn phải là người có kỹ năng tổ chức và quản lý các nghiệp vụ liên quan đến nghề bếp. Kỹ năng quản lý mang đến sự hiệu quả trong công việc, giúp bạn nắm rõ các thông tin chi tiết. Yếu tố này sẽ giúp bạn hoàn thành tốt công việc của chính mình cũng như công việc chung của bộ phận bếp.
3.7 Kỹ năng lập kế hoạch
Nghề đầu bếp thường được tuyển dụng tại các khu vực du lịch, nghỉ dưỡng, sự kiện. Chính vì thế, trong các buổi tiệc bạn cần phải phối hợp với những yêu cầu từ cấp trên và khách hàng để mang đến những món ăn ngon, bày trí đẹp mắt. Đảm bảo không xảy ra các sơ suất thiếu hụt đồ ăn hay là lên món chậm trễ gây khó chịu cho mọi người.
3.8 Kỹ năng quản lý tài chính
Kỹ năng quản lý tài chính là một trong những kỹ năng quan trọng giúp bạn đo lường chi phí, tính toán phù hợp giá thành cho từng món ăn. Từ đó bạn có thể đề xuất các kế hoạch giá thành của các món ăn, nâng cao lợi nhuận chi phí.
4. Các vị trí trong nhà bếp
4.1 Bếp trưởng điều hành (Executive Chef)
Bếp trưởng điều hành có vai trò giám sát, chỉ đạo tổng quát các bộ phận khác đồng thời cũng là người đặt ra các tiêu chuẩn, công thức cho từng món ăn trong thực đơn. Tổng bếp trưởng cũng sẽ là người hướng dẫn quy trình làm việc và quản lý chất lượng thành phẩm của toàn bộ phận bếp.
4.2 Trợ lý của bếp trưởng điều hành (Secretary to Executive Chef)
Trợ lý bếp trưởng điều hành sẽ giúp bếp trưởng điều phối các hoạt động trong khu vực bếp và quản lý các nhân viên trong bếp. Trợ lý bếp trưởng cũng cần có các kiến thức về kỹ thuật nấu ăn, quy trình, nguyên tắc trong chế biến. Họ cũng là người có khả năng quản lý thời gian và đào tạo để hỗ trợ nhân viên bếp.
4.3 Bếp trưởng bộ phận (Head Chef)
Bếp trưởng bộ phận sẽ chịu trách nhiệm cho một khu bếp nhất định trong nhà hàng hoặc họ cũng có thể thay mặt bếp trưởng quán xuyến công việc. Để đảm nhận vị trí này, bếp trưởng bộ phận cần có chuyên môn vững để giám sát việc nấu nướng, lên danh sách đơn hàng, quản lý nhân viên.
4.4 Bếp phó (Sous Chef)
Bếp phó là người phụ trách việc chuẩn bị, chế biến, trình bày các món ăn. Họ cũng giúp bếp trưởng trong việc quản lý nhân viên bếp, quản lý nguyên liệu và các thiết bị của nhà hàng. Tùy theo nhà hàng mà bếp phó có thể được giao công việc riêng hoặc theo sự chỉ đạo của bếp trưởng.
4.5 Tổ trưởng tổ bếp (Station Chef)
Tổ trưởng tổ bếp là người chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn nhân viên trong tổ bếp và đảm bảo được các nhân viên đều tuân thủ những tiêu chuẩn trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Họ cũng có thể giúp bếp trưởng quản lý nguyên liệu và thiết bị của nhà hàng. Ở các nhà hàng lớn, tổ trưởng tổ bếp còn được chia thành nhiều nhánh khác nhau, cụ thể như sau:
-
Sauce Chef (Tổ trưởng nhóm nước sốt): Tổ trưởng nhóm nước sốt sẽ chịu trách nhiệm về công thức của các loại nước sốt, nước thịt đi kèm các món ăn. Họ sẽ báo cáo trực tiếp cho Bếp chính hoặc Bếp phó.
-
Butcher Chef (Tổ trưởng nhóm thịt): Tổ trưởng nhóm thịt sẽ phụ trách chuẩn bị thịt và chuyển thịt đến các nhóm bếp cần nguyên liệu này. Khi nhà hàng thiếu nhân sự, họ cũng có thể hỗ trợ chế biến thịt.
-
Fish Chef (Tổ trưởng nhóm cá): Tổ trưởng nhóm cá có vai trò chuẩn bị cá và hải sản. Ở các nhà hàng có quy mô nhỏ, Butcher Chef có thể đảm nhận vai trò của Fish Chef.
-
Roast Chef ( Tổ trưởng nhóm nướng trong lò): Tổ trưởng nhóm nướng trong lò sẽ phụ trách các món nướng trong lò, các món thịt khô, thịt quay.
-
Grill Chef (Tổ trưởng nhóm nướng trên lửa): Khác với Roast Chef, Grill Chef chuyên chuẩn bị các loại thức ăn trên vỉ nướng.
-
Fry Chef (Tổ trưởng nhóm chiên): Tổ trưởng nhóm chiên sẽ chuyên phụ trách các món chiên.
-
Pantry Chef (Tổ trưởng nhóm món lạnh): Người phụ trách vị trí này sẽ chịu trách nhiệm trong việc chuẩn bị các món ăn lạnh như salad, các món gỏi, cuốn.
-
Pastry Chef (Tổ trưởng nhóm bánh): Pastry Chef trong các nhà hàng sẽ phụ trách tất cả các loại bánh ngọt và món tráng miệng.
-
Chef de Tournant (Đầu bếp cơ động): Ở vị trí này, người đảm nhận không có một công việc cụ thể mà sẽ được phân công nhiệm vụ khi cần tại các bộ phận khác nhau trong bếp.
-
Vegetable Chef (Tổ trưởng nhóm rau): Tổ trưởng ở vị trí này sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị rau, súp, tinh bột và trứng. Ở các nhà bếp lớn hơn, vai trò này có thể chia thành Potager (người phụ trách nấu súp) và Legumier (người phụ trách chuẩn bị tất cả các loại rau).
4.6 Tổ phó tổ bếp (Demi Chef)
Tổ phó tổ bếp có vai trò kiểm tra món ăn nhằm đảm bảo thành phẩm được chế biến đúng quy trình, công thức, đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng, thẩm mỹ. Tổ phó tổ bếp cũng chịu trách nhiệm về vệ sinh khu vực bếp, quản lý tài sản trong bếp, hỗ trợ giám sát và điều hành công việc cho tổ trưởng tổ bếp.
4.7 Nhân viên bếp (Junior Chef)
Nhân viên bếp sẽ là người trực tiếp thực hiện các công việc hàng ngày của bộ phận bếp như sơ chế nguyên liệu, chuẩn bị dụng cụ, vệ sinh khu vực và chế biến món ăn. Nhân viên bếp sẽ làm việc dưới sự điều phối của tổ trưởng tổ bếp.
4.8 Phụ bếp (Kitchen Porter)
Phụ bếp sẽ chuẩn bị và vệ sinh dụng cụ, sơ chế nguyên liệu. Đây là vị trí khá đơn giản và cần phụ bếp phải trau dồi tay nghề lẫn kiến thức rất nhiều để trở thành đầu bếp.
4.9 Nhân viên rửa chén bát (Dishwasher)
Nhân viên rửa chén bát sẽ là người dọn dẹp và vệ sinh các vật dụng trong khu vực bếp, phân loại và sắp xếp vào đúng vị trí cần thiết và bảo vệ các vật dụng không bị trầy xước, sứt mẻ hoặc đổ vỡ.
4.10 Bồi bàn hay Nhân viên phục vụ bàn (Waiter/Waitress)
Nhân viên phục vụ sẽ là người tương tác trực tiếp với khách hàng. Họ sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu của khách hàng và giới thiệu các món ăn đến cho khách. Bồi bàn cũng là người giúp khách hàng cảm nhận được chất lượng dịch vụ, chất lượng tại nhà hàng.
4.11 Trưởng nhóm tạp vụ bếp (Chief Steward)
Ở vị trí này, trưởng tạp vụ bếp sẽ giám sát hoạt động hàng ngày của tổ tạp vụ nhằm đảm bảo các khu vực trong bếp đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh của thương hiệu và các chính sách của địa phương.
4.12 Trợ lý tạp vụ Bếp (Assistant Chief/Steward/Steward Supervisor)
Trợ lý tạp vụ bếp sẽ hỗ trợ trưởng tạp vụ trong việc quản lý, chia ca đội nhân viên tạp vụ, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trong việc vệ sinh các khu vực trong nhà ăn, khu vực bếp, khu vực nhà hàng.
4.13 Tổ trưởng bộ phận tạp vụ (Steward Captain)
Tổ trưởng tổ tạp vụ sẽ giám sát công tác chuẩn bị các nguyên vật liệu, trang thiết bị bếp trước khi các đầu bếp sử dụng, quản lý việc tiếp nhận và lưu trữ hàng hoá của bếp, giám sát việc vệ sinh và bảo quản các cơ sở, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ.
4.14 Nhân viên tạp vụ (Stewarding)
Nhân viên tạp vụ trong nhà hàng sẽ là người trực tiếp vệ sinh môi trường làm việc của các đầu bếp. Họ sẽ giúp nhà hàng duy trì một môi trường làm việc an toàn.
5. Mức lương nghề đầu bếp
Nghề đầu bếp lương bao nhiêu? Bên cạnh quan tâm về triển vọng nghề nghiệp, mức lương nghề bếp cũng được nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về nghề đầu bếp.
Nhìn chung, tại Việt Nam, đầu bếp là nghề nghiệp có mức thu nhập khá ổn định, khoảng 8 – 10 triệu/tháng đối với đầu bếp mới vào nghề.
Sau khi đã có kinh nghiệm, mức lương trung bình dao động từ 12 – 20 triệu đồng/tháng. Ở các vị trí cao hơn như Bếp trưởng, ngoài mức lương chính thức bạn còn được nhận thêm nhiều khoản phụ cấp, thưởng khác.
Ở một số các quốc gia khác, đầu bếp cũng là nghề có mức thu nhập khá hấp dẫn, chẳng hạn:
-
Tại Nhật Bản, mức lương trung bình khoảng 1.6 tỷ/năm
-
Tại Mỹ, mức lương trung bình khoảng 1.2 tỷ/năm
-
Tại Úc, mức lương trung bình khoảng 1 tỷ/năm
Rất khó để có thể xác định con số lương chính xác của nghề đầu bếp. Bởi mức lương này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến như:
-
Phong cách chế biến (Đồ Âu, Đồ Á, v.v.)
-
Năm kinh nghiệm trong nghề
-
Nơi làm việc
-
Vị trí nghề nghiệp, v.v.
6. Nghề đầu bếp có tương lai không ? Tiềm năng phát triển của ngành bếp ?
Câu trả lời đơn giản là có !
Hiện nay tại Việt Nam, đầu bếp là một trong những nghề nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội thực tập và định cư nước ngoài ở các quốc gia Canada, Úc, Mỹ, Châu Âu. Ví dụ, theo báo Thanh Niên đưa tin, ông Demetrios Jim Rigogiannis chia sẻ riêng thành phố Melbourne (Úc) hiện đang cần hơn 2.000 đầu bếp.
Ngoài ra, số nhân sự làm việc trong lĩnh vực bếp tại Úc tăng nhanh trong 5 năm vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 5 năm tới. Mức tăng sẽ dao động từ 94.400 người năm 2020 đến 112.700 người vào năm 2025 với mức lương từ 60.000 đô la Úc/năm trở lên đối với những người thạo tiếng Anh và tay nghề.
Hiện tại, Úc vẫn đang còn là đất nước thiếu hụt nhân lực ngành bếp. Nhiều nhà hàng buộc phải đóng cửa vì không có nhân viên làm việc. Ông Jim Rigogiannis dự đoán đây sẽ là cơ hội nghề nghiệp lớn cho các nguồn lao động nhập cư Việt Nam.
7. Những thử thách của nghề đầu bếp
Nghề đầu bếp có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nghề đầu bếp là một công việc thú vị và đáng theo đuổi. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi sự hy sinh, áp lực công việc và sự cam kết với việc rèn kỹ năng chuyên môn.
-
Áp lực cao: Đầu bếp thường phải làm việc trong môi trường căng thẳng, nơi mọi thứ cần phải được thực hiện nhanh chóng và chính xác. Họ phải đối mặt với những giờ làm việc kéo dài và thường xuyên đứng nhiều giờ trong bếp nóng.
-
Làm việc trong điều kiện khó khăn: Nhà bếp có thể là một môi trường làm việc khá khắc nghiệt. Họ sẽ phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, không gian căng thẳng và áp lực công việc có thể gây căng thẳng và mệt mỏi cho người làm bếp
-
Thời gian làm việc không bình thường: Nghề đầu bếp thường yêu cầu làm việc vào buổi tối, cuối tuần và các ngày lễ. Điều này có thể gây khó khăn trong việc cân nhắc giữa công việc và cuộc sống của cá nhân. Đồng thời, làm việc trong những ca làm việc dài và không có thời gian nghỉ ngơi giải trí cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự cân bằng bằng cuộc sống của người đầu bếp.
-
Đòi hỏi kỹ năng chuyên môn: Nghề đầu bếp không chỉ đơn giản là nấu ăn. Mà người nấu ăn còn phải học hỏi kiến thức về nhiều lĩnh vực. Cụ thể như thực phẩm, kỹ thuật nấu nướng và quản lý nhà bếp. Để trở thành một đầu bếp giỏi, người ta cần phải bỏ ra nhiều thời gian. Bên cạnh đó, đầu bếp cần nỗ lực học hỏi và rèn luyện kỹ năng.
-
Tiếp xúc với nguy hiểm và mạo hiểm: Đầu bếp thường phải làm việc với các dụng cụ sắc bén, lửa và nhiệt độ cao. Điều này tiềm ẩn nguyên nhân gây nổ, đốt cháy, cắt tay hoặc các vết thương khác khác. Việc tuân thủ các quy tắc an toàn và giữ tập trung cẩn thận rất quan trọng để tránh tai nạn xảy ra.
-
Sáng tạo không ngừng: Sự phát triển của ngành ẩm thực đòi hỏi các đầu bếp luôn phải đổi mới và sáng tạo để bắt kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực khách.
-
Cạnh tranh khốc liệt: Nghề đầu bếp có sự cạnh tranh lớn, đặc biệt trong các nhà hàng nổi tiếng hoặc muốn đạt danh hiệu quốc tế. Để nổi bật và thành công, một đầu bếp cần liên tục học hỏi và nâng cao tay nghề.
8. Đặc trưng trong phong cách ẩm thực trên thế giới
8.1 Ẩm thực Châu Âu
-
Trong văn hóa của mình, người Châu Âu sử dụng loại lương thực chính là lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc. Gạo sẽ phổ biến hơn ở các khu vực phía Nam Âu. Một bữa ăn thường thấy của người dân nơi đây bao gồm bánh mì, nước sốt, rau và các loại thịt như thịt bò, thịt heo, thịt cừu,… Bên cạnh đó, sữa, bơ và phô mai được xem là “linh hồn” của các món Âu.
-
Họ ưa chuộng hương vị nguyên thủy của nguyên liệu, nên việc dùng quá nhiều gia vị có thể làm mất đi sự tươi ngon của món ăn.
-
Dụng cụ trong bữa ăn của người Châu chủ yếu là dao, thìa và dĩa.
8.2 Ẩm thực Châu Á
-
Cơm là món ăn chính trong tất cả các bữa ăn hàng ngày. Với điều kiện khí hậu của khu vực Châu Á, lúa gạo là cây lương thực chính nên thay vì sử dụng bánh mì như các nước Châu Âu thì người dân sẽ ăn cơm.
-
Trong ẩm thực Châu Á, những món mang tính mát và nguyên liệu từ biển được ưu tiên và đề cao. Người Châu Á khá cầu kỳ trong cách thức chế biến món ăn, đôi khi còn có sự bảo thủ về những phương thức truyền thống.
-
Gia vị sẽ tạo nên nét khác biệt lớn trong món ăn của từng quốc gia. Hầu hết, nền ẩm thực Châu Á ở các nước đều sử dụng thành phần nguyên liệu dễ tìm, có sự hoàn quyện và kết hợp tạo thành khối đồng nhất.
-
Dụng cụ trong bữa ăn của người Châu Á chủ yếu là đũa
Xem thêm: Các nền ẩm thực nổi tiếng trên thế giới
Nghề đầu bếp không chỉ đòi hỏi sự am hiểu sâu rộng về ẩm thực mà còn là sự kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và kỹ năng quản lý. Đầu bếp không chỉ nấu ăn mà còn truyền đạt văn hóa, cảm xúc và sự sáng tạo qua từng món ăn. Những ai đam mê nghề này cần phải không ngừng học hỏi, rèn luyện và giữ vững tình yêu đối với ẩm thực để có thể phát triển và thành công trong lĩnh vực này.