icon icon icon
Số 8/ 282 Lạc Long Quân, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội

KINH NGHIỆM SĂN HỌC BỔNG NHẬT BẢN

Người đăng: Đào Thị Hồng Ngát - 28/03/2023

Bạn có ước mơ đi du học Nhật Bản vì những lý do: Yêu thích nền văn hóa, con người nơi đây. Hay đơn giản là một đất nước phát triển có nền văn minh hiện đại giúp chúng ta học hỏi được rất nhiều thứ. Bạn đang có dự định xin học bổng du học Nhật Bản nhưng lại băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu, thủ tục hồ sơ như thế nào? Vậy hãy cùng Du học quốc tế Haru tìm hiểu những kinh nghiệm để săn học bổng du học Nhật Bản dưới đây nhé!.

1. Chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học Nhật

Theo dõi thông tin trên trang web của Bộ Giáo dục (moet.gov.vn), đồng thời sẽ có đường dẫn về mẫu hồ sơ đăng ký thi học bổng dành cho tất cả các ngành trong cả nước, có cả học bổng trung cấp, cao đẳng, đại học và thạc sĩ.

Hãy tìm cho mình một mentor (tạm dịch: người hướng dẫn) – đó là các anh chị đi trước đã từng nhận được học bổng chính phủ Nhật Bản MEXT.

Những mentor này là những người có kinh nghiệm “thực chiến”. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích từ việc chuẩn bị hồ sơ cho đến ôn thi và phỏng vấn.

a. Đối với học bổng hệ đại học tại Nhật Bản

Điều bạn cần làm là trau chuốt bộ hồ sơ của mình càng lung linh càng tốt. Với các bạn apply học bổng học đại học, điểm số cấp 3 sẽ là yếu tố quyết định. 

Thế nên tốt hơn hết là bạn nên có một học bạ kèm theo một bảng điểm gây ấn tượng, với các thành tích giải tỉnh, thành phố, quốc gia hay quốc tế càng tốt.

Nếu như bảng điểm cấp 3 của bạn không quá xuất sắc? Bạn có thể bù lại khoản điểm số bằng khả năng ngoại ngữ, ví dụ: Điểm số cao khi sở hữu tấm bằng JLPT tiếng Nhật hoặc bằng IELTS, TOEIC, TOEFL thể hiện khả năng tiếng Anh sẽ giúp làm nổi bật hồ sơ của bạn.

Ngoài ra, bạn nên liệt kê các hoạt động xã hội đi kèm với thư giới thiệu. Thư giới thiệu của bạn tốt nhất nên được viết bởi những người có học vị cao, ví dụ như các thầy cô trưởng phó khoa hay các giáo sư, tiến sĩ…

b. Đối với học bổng bậc sau đại học

Thay vì bảng điểm GPA trong quá trình học đại học, bạn nên nhấn mạnh vào đề cương nghiên cứu. Khả năng và thành tích nghiên cứu của bản thân sẽ là yếu tố quyết định. Bên cạnh việc học tập tốt, bạn nên có thêm nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến ngành học.

Hoặc nếu các nghiên cứu của bạn có giải thưởng thì bạn sẽ càng có nhiều lợi thế. Ngoài ra, hãy làm nổi bật khả năng thích ứng với môi trường học tập quốc tế. Đừng quên nhấn mạnh vào khả năng nghiên cứu độc lập của bạn.

Khi chọn đề tài luận án/nghiên cứu của mình, hãy ưu tiên các đề tài mang tính thực tiễn. Người Nhật rất coi trọng các ứng dụng của nghiên cứu vào đời sống, khoa học. Vì vậy, bạn có thể tìm hiểu về các vấn đề hiện có ở Việt Nam và định hướng tìm giáo sư/ngành học thuộc lĩnh vực phù hợp tại Nhật Bản.

c. Một số lưu ý cho vòng hồ sơ

  • Hồ sơ phải nêu được năng lực của bạn, trình bày rõ ràng, dễ nhìn. Mọi thứ phải được liên kết với nhau thật dễ hiểu và logic.

  • Thư giới thiệu, phải được gửi kèm trong phong bì có dán niêm phong của trường/người giới thiệu, vì người Nhật đề cao sự bảo mật cũng như sự trang trọng trong hình thức.

  • Nên nộp hồ sơ trước thời điểm hết hạn khoảng 2-3 tháng đề phòng trường hợp bạn cần bổ sung thêm giấy tờ.

  • Chọn trường cho chuẩn: Trước hết, bạn nên chọn trường quốc lập/công lập (các trường do chính quyền địa phương như các tỉnh thành lập) vì chất lượng đảm bảo và uy tín hơn so với các trường dân lập.

*Thứ nhất, phải xác định được mục tiêu một cách rõ ràng. Nên chọn xem nội dung học nào phù hợp với khả năng, xác định mình muốn học những gì để có thể theo đuổi đến cùng.

Sau khi các bạn đã tìm ra được mục tiêu thì nên chọn trường theo tỷ lệ chọi. Các bạn nên chọn những trường phù hợp với khả năng để tăng tỷ lệ được nhận vào hoặc những trường có anh chị, người quen đã từng học để nắm được nhiều thông tin hơn.

Tốt nhất, bạn hãy tìm thông tin đầy đủ về trường, ví dụ: Trong những năm trở lại đây có nhận sinh viên du học hay không? Hàng năm nhận bao nhiêu sinh viên theo chương trình học bổng? Trong số đó có bao nhiêu sinh viên người Việt Nam và năm nay chỉ tiêu nhận là bao nhiêu?

*Thứ hai, xem trường đó ở đâu. 

Ở thành phố lớn thì mức sống sẽ cao, tất nhiên tiền học bổng đủ cho bạn sống không đến nỗi vất vả nhưng dù sao thì có tiền dư giả thì vẫn hơn. Ngoài ra, bạn cũng không nên chọn trường ở một vùng xa xôi hẻo lánh, trước giờ chưa ai tới nếu bạn sợ buồn chán.

*Thứ ba, xem trường có ký túc xá hay không, nếu không được ở trong ký túc xá thì tiền nhà cũng là một khó khăn lớn và cần bạn chuẩn bị ngân sách phù hợp.

2. Chuẩn bị cho buổi thi phỏng vấn xin học bổng du học Nhật Bản

Sau khi vượt qua được vòng sơ khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bạn sẽ phải tham dự kỳ thi viết và thi vấn đáp do Đại sứ quán tổ chức.

a. Phần thi viết

*Bậc đại học: Các môn thi của mỗi ngành học là khác nhau.

Cụ thể các môn thi cho các khối thi ngành học như sau:

  • Khối Khoa học xã hội: Thi 3 môn, bao gồm Toán, tiếng Anh, tiếng Nhật; mỗi môn 60 phút.

  • Khối Khoa học tự nhiên: Khối này được chia thành 2 khối nhỏ. Khoa học tự nhiên 1 (thi 5 môn: Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, tiếng Nhật; mỗi môn 60 phút) và Khoa học tự nhiên 2 (thi 5 môn: Toán, Hóa, Sinh, tiếng Anh, tiếng Nhật; mỗi môn 60 phút).

*Bậc sau đại học: 2 môn là tiếng Anh và tiếng Nhật, mỗi môn 60 phút.

Tài liệu ôn thi: Tham khảo và làm thử các bài thi viết của những năm trước. Làm càng nhiều càng tốt, giống như giải đề luyện thi đại học vậy!

Tất cả các bạn xin học bổng đều phải thi tiếng Nhật, mặc dù học bổng không yêu cầu bạn phải biết sử dụng ngôn ngữ này.

b. Phần phỏng vấn

Phần thi viết chiếm 70% kết quả, nhưng không có nghĩa 30% của phần phỏng vấn không quan trọng. Để chuẩn bị tốt cho vòng này, bạn nên chuẩn bị trước những việc sau:

  • Viết một đoạn giới thiệu về bản thân mình bằng tiếng Nhật. Hãy chân thành chia sẻ! Đừng xem nhẹ những “chiến tích” như tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt nhóm, đoàn đội. Vì điều này cho thấy khả năng hòa nhập, làm việc theo nhóm của bạn. 

  • Ngoài phần giới thiệu bản thân thì bạn cũng nên chuẩn bị cho các nội dung như: kế hoạch học tập, đề tài nghiên cứu, vì sao muốn du học ở Nhật mà không phải là một nước nào khác, dự định sau khi học xong.

  • Hãy cho thấy bạn muốn học thêm tiếng Nhật, tìm hiểu thêm về đất nước, con người, văn hoá Nhật.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Công ty cổ phần giáo dục và quốc tế - Haru

Đăng ký nhận tư vấn