89% du học sinh Việt Nam không trả lời được hết những câu hỏi này trước khi đặt chân đến Nhật. Đánh đổi cho điều này, họ đã mất rất nhiều thời gian để tự mình vấp ngã, tự mình trải nghiệm và tự mình vượt qua khó khăn trong quá trình du học. Thậm chí nhiều bạn phải bỏ dở chương trình du học của mình.
Cùng test để xem bạn đã thực sự sẵn sàng cho chuyến hành trình du học của mình hay chưa nhé!
1. Bạn đi du học vì điều gì?
Bạn “thích” đi du học vì niềm đam mê với ngôn ngữ, đất nước, văn hóa, con người của quốc gia đó. Hay bạn “phải” đi du học vì sự chọn lựa, định hướng của gia đình?
Đừng đi nếu 1 trong 2 nguyên nhân trên là lí do chính dẫn đến quyết định du học của bạn!
Đại đa số những cú vấp ngã ban đầu mà du học sinh phải đối mặt trên nước bạn, đều bắt nguồn từ việc họ đã quá mộng mơ hoặc quá thờ ơ, dễ dãi với mục đích du học của mình.
Du học là một hành trình với vô vàn những trải nghiệm thực tế. Mà trong thực tế, thành công luôn đi sau những khó khăn, thử thách. Không có một lí do thiết thực, gắn với lợi ích của chính mình; cũng như không có một mục tiêu định lượng cụ thể; sẽ khiến cho du học sinh dễ dàng đổ lỗi khi vấp ngã; và dễ dàng từ bỏ khi đối mặt với khó khăn.
2. Tại sao phải là Nhật Bản?
Nhật Bản luôn nằm trong top các điểm đến hấp dẫn nhất với du học sinh thế giới. Không chỉ vì lịch sử lâu đời, nền văn hóa giàu bản sắc, chất lượng giáo dục tiên tiến. Mà còn bởi triển vọng nghề nghiệp du học sinh sẽ có được sau khi hoàn thành chương trình học.
Nhưng cũng như mọi quốc gia khác, Nhật Bản cũng có những góc khuất, kể cả trong hệ thống giáo dục của họ.
Nếu Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất bạn đang băn khoăn lựa chọn. Hãy làm một bảng so sánh giữa các quốc gia đó. Căn cứ so sánh là: điều bạn muốn; đích bạn muốn đạt được; năng lực nội tại của bạn và điều kiện tài chính của gia đình.
Nếu hoặc là Nhật Bản hoặc không là quốc gia nào khác, thì hãy đảm bảo rằng bạn đã dành đủ thời gian để tìm hiểu về những mặt trái của quốc gia này. Tính đúng giờ tạo nên thương hiệu của Nhật Bản. Bhưng nhiều du học sinh đã rất sốc vì nó cũng không có ngoại lệ. Ốm cũng phải cố gắng đi học vì yêu cầu tỉ lệ chuyên cần hết sức khắt khe. Sự tự lập là điều người Nhật được giáo dục từ khi còn là con trẻ. Bạn phải xác định tinh thần luôn nhé: những gì mình có thể tự làm thì hãy tự mình làm; những gì không thể làm thì cũng cố gắng tự tìm giải pháp.
Đừng chỉ kỳ vọng vào những điều tốt đẹp Nhật Bản sẽ cho bạn. Và coi chúng như một điều hiển nhiên. Hãy học cách tự tạo ra và đóng góp cho những điều tốt đẹp ấy.
3. Bạn chọn du học Nhật Bản vì có nền tảng kinh tế tốt hay vì để có điều kiện kinh tế tốt hơn?
Du học Nhật Bản phổ biến với chương trình học tự túc, vừa học vừa làm. Vì thế có rất nhiều bạn biết đến và lựa chọn du học Nhật với suy nghĩ: mình sẽ mang lại một điều kiện kinh tế tốt hơn cho bản thân và gia đình nhờ thu nhập từ việc làm thêm trong khi học; và một công việc ổn định, lương cao sau khi tốt nghiệp.
Một cách tích cực, chính sách cho phép du học sinh làm thêm 28 giờ/tuần (trong kỳ học) và làm toàn thời gian (trong kỳ nghỉ) của chính phủ Nhật Bản đã giúp cho nhiều bạn học sinh, sinh viên Việt Nam thực hiện được ước mơ du học của mình; vì việc trang trải chi phí du học (học phí + sinh hoạt phí) có phần “dễ thở” hơn.
Nhưng một cách tiêu cực, nhiều bạn chọn lựa vay lãi để đăng ký du học. Vì cho rằng nếu có sức khỏe, có thể làm thêm nhiều công việc để gửi về cho gia đình trả nợ, ngay khi đến Nhật. Vậy thì rốt cuộc, bạn đi du học hay đi lao động?
4. Khu vực, thành phố, trường học, ngành học, nên lựa chọn từ đâu trước?
Bạn sẽ chọn vùng Kanto, thành phố Tokyo trước rồi mới quyết định trường học và ngành học? Hay bạn lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu về Ngôn ngữ Nhật; rồi tìm kiếm một trường đại học tốt, ở đâu tại Nhật cũng được?
4 nội dung cần lựa chọn, nhưng có đến 24 cách để thiết lập một trình tự để tư duy. Thật khó để lựa chọn đúng không nào?
Để đưa ra được lựa chọn phù hợp với mình nhất, bạn cần so sánh tầm quan trọng của 4 yếu tố này và cách chúng ảnh hưởng đến bạn. Nếu không có yếu tố nào là sống chết phải ưu tiên thì bạn có thể tham khảo lời khuyên sau:
– Với những bạn cần học tiếng Nhật
Có thể ưu tiên lựa chọn khu vực, thành phố trước. Nếu là người hướng nội, bạn có thể tránh lựa chọn các thành phố lớn để dần dần thích ứng. Chương trình dạy của các trường Nhật ngữ không có quá nhiều khác biệt. Và nếu có nhu cầu học lên cao sau khi tốt nghiệp trường tiếng; bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào một trường Đại học ở thành phố, khu vực khác.
– Với những bạn học chương trình bằng tiếng Anh, Đại học và các hệ đào tạo khác cao hơn
Nên ưu tiên chọn ngành, chọn trường học phù hợp với mình trước.
5. Du học Nhật vào thời điểm nào là hợp lý nhất?
Có nên du học bậc Trung học phổ thông tại Nhật hay không?
Hay đợi sau khi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam?
Đang học đại học trong nước, có nên bỏ dở giữa chừng để đăng ký du học Nhật?
Việc lựa chọn chương trình du học phụ thuộc lớn ở điều kiện kinh tế và mục tiêu học tập của bạn. Bạn có thể tham khảo các bài viết chuyên sâu của Jellyfish để tự tìm câu trả lời cho mình. Hoặc liên hệ đến Jellyfish để tư vấn viên có thể tham vấn theo từng trường hợp của mình.
6. COE hay visa, nếu thất bại, bạn sẽ làm gì?
Hơi bi quan khi chưa đăng ký mà đã nghĩ đến kết quả trượt COE hay Visa. Nhưng bắt buộc bạn phải tính toán cho khả năng này. Vì cả bạn hay trung tâm tư vấn du học; thậm chí cả trường học đã cấp thư mời học cho bạn cũng không thể chắc chắn kết quả xét duyệt COE và Visa.
Nếu không sẵn sàng bỏ thêm thời gian (gấp đôi, gấp 3 so với kế hoạch ban đầu) và không có kiên trì theo đuổi lại từ đầu khi bị trượt thì bạn nên có phương án dự phòng. Ví dụ, bạn nên duy trì việc học tại trường Đại học ở Việt Nam chứ không bảo lưu ngay từ khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký du học. Khi có kết quả đỗ, bạn tiến hành thủ tục bảo lưu cũng không muộn. Bạn có thể mất thêm chi phí khi phải duy trì việc học ở Việt Nam. Nhưng đổi lại, bạn có phương án dự phòng để không lỡ hẹn với tương lai.
Nghĩ đến trường hợp xấu nhất để có thêm một sự chuẩn bị. Chứ không phải vì nó chắc chắn sẽ xảy ra và cũng đừng để nó cản bước chân bạn trong hành trình du học Nhật.
7. Công thức gia hạn visa thành công khi đến Nhật là gì?
Hầu hết các bạn đều chỉ suy nghĩ làm thế nào để đăng ký du học Nhật và có COE nhập quốc thành công, mà không đặt câu hỏi rằng: COE đó có thời hạn bao lâu? Cần làm gì để gia hạn COE khi hết hạn? Và hậu quả của việc này là nhiều bạn đã phải về nước khi chưa hoàn thành xong chương trình học của mình tại Nhật là gì?
COE (Certificate of Eligibility) là giấy xác nhận tư cách lưu trú hợp pháp dành cho người nước ngoài có dự định lưu trú trên 90 ngày tại Nhật Bản. COE dành cho du học sinh trường Nhật ngữ có thời hạn từ 06 tháng (với những trường mới thành lập) hoặc 1 năm 3 tháng. Với các hệ đào tạo dài hơn như đại học, Cao học thì COE lần đầu có thể lên đến 2 năm 3 tháng.
Sau khi có COE, du học sinh cần tiến hành thủ tục xin Visa ở văn phòng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Thời hạn Visa cũng bằng thời hạn của COE. Trong 90 ngày khi visa du học Nhật Bản còn thời hạn hiệu lực, du học sinh phải tiến hành thủ tục gia hạn Visa (các trường sẽ có hướng dẫn thủ tục cho du học sinh).
Câu hỏi được đặt ra ở đây: Tại sao Cục XNC Nhật Bản không cấp luôn COE có độ dài bằng với chương trình học của du học sinh? Lí do là vì Cục muốn theo dõi xem bạn có đi học đầy đủ hay không, trong quá trình sinh sống tại Nhật, bạn có nghiêm chỉnh chấp hành quy định, pháp luật của Nhật không.
Bạn sẽ gia hạn visa thành công nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:
– Yêu cầu về học tập:
Đảm bảo có tỷ lệ đi học – tỷ lệ lên lớp (gọi là 出席率 Shusseki-ritsu [xuất tịch suất]) từ 80% trở lên; không vi phạm các quy định của nhà trường cũng như pháp luật Nhật Bản.
Đi học tại Nhật quả thật rất đáng sợ. Muộn 1 phút cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ chuyên cần. Vì vậy, nếu nắm được yêu cầu này, bạn sẽ có thêm lí do để sống đúng giờ như người Nhật, ngay từ ngày đầu tiên đến Nhật nhé.
– Yêu cầu về nộp học phí:
Du học sinh phải đóng học phí 01 năm thứ 2. Trước khi kết thúc năm học thứ nhất khoảng 3 tháng, học sinh cần chuẩn bị tiền để đóng học phí năm thứ 2.
8. Vì sao du học sinh thất bại khi lựa chọn du học Nhật?
Hàng ngàn du học sinh Việt Nam nhập cảnh mới vào Nhật Bản mỗi năm. Nhưng chỉ có khoảng 20% trong số họ thành công. Phần đông còn lại: người phải về nước trước thời hạn do không thể gia hạn visa hoặc do chương trình học khó quá, không theo được; người thì không thể xin được việc làm chính thức sau khi tốt nghiệp do tiếng quá kém, kỹ năng mềm không có, kiến thức chuyên môn cũng nhiều thiếu hụt,…
Nhìn nhận một cách khách quan, chúng tôi nhận ra rằng, thất bại là vì chuyến hành trình của họ gặp phải một trong những nguyên nhân sau:
– Khởi hành sai hướng:
Là những du học sinh không thể tìm thấy mục tiêu thiết thực trước và trong quá trình học. Để tránh rơi vào nhóm này, bạn cần tìm bằng được câu trả lời cho câu hỏi số 1.
– Xác định nhầm điểm đến:
Chính là những bạn đã chọn sai đáp án cho câu hỏi số 2. Họ đến Nhật và không đủ nghị lực (động cơ) để vượt qua được những khốc liệt ở quốc gia này.
– Chọn sai thời điểm xuất phát:
Hãy đảm bảo bạn đã tham khảo câu hỏi số 5 và tìm được câu trả lời phù hợp cho mình.
– Nạp đủ nhiên liệu:
Họ đã chọn vế thứ 2 ở câu hỏi số 3 trong khi hoàn toàn không có một chút nền tảng tài chính nào.
– Vận hành mà thiếu đam mê:
Ở câu hỏi số 4, cho dù bạn lựa chọn được quy trình đúng thì vẫn có thể sai số ở trọng tâm – chọn sai ngành học.
Bạn có thể tham khảo nhưng không nên chọn ngành học chỉ vì theo số đông hay theo yêu cầu từ người thân, bạn bè. Cần nghiêm túc suy nghĩ xem điểm mạnh của mình là gì, mình thích gì, để có thể lựa chọn ngành học theo thứ mình đam mê. Đam mê chính là động lực mạnh mẽ nhất để chúng ta kiên trì theo đuổi mục tiêu trong dài hạn.
– Không có phương án phòng trừ rủi ro:
Nhóm du học sinh không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi số 6.
Hy vọng rằng, việc tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký du học Nhật Bản, thông qua những gợi ý từ Du học quốc tế Haru, sẽ giúp bạn thực sự sẵn sàng và có một hành trình du học thành công.