Nhật Bản là một đất nước có nền văn hóa rất đặc biệt. Bài viết này, Du học quốc tế Haru sẽ chia sẻ với Quý độc giả những quy tắc ứng xử của đất nước Nhật Bản. Nếu bạn đang có ý định đi du học trong tương lai gần hay xa, bạn cần hiểu rõ một số quy tắc trong ứng xử tại xứ sở “hoa anh đào” để có thể dễ thích nghi và đảm bảo rằng bản thân không bị "sốc văn hóa".
1. Cách sử dụng đại từ nhân xưng trong giao tiếp
Ở Nhật, khi trò chuyện mà chỉ gọi tên nhau thì chưa đủ, người ta thường thêm kính ngữ mà sau tên gọi để thể hiện mối quan hệ giữa người nghe và người nói. Dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu:
- San: Đây là kính ngữ phổ biến nhất trong tiếng Nhật, được dùng cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi và giới tính, đứng đằng sau tất cả mọi tên gọi trong mọi hoàn cảnh, thậm chí dùng được cho cả động vật và tên các cửa hàng cửa hiệu. Nếu một người không biết phải xưng hô với người khác như thế nào thì cứ kèm theo “-san” phía sau tên của họ là an toàn nhất.
- Kun: Được dùng khi người có địa vị cao nói chuyện với người có địa vị thấp hơn, thường là con trai. Đây là cách nói phổ thông, dùng cho những người thân thiết.
- Chan: Đây là cách nói thân mật, dùng cho trẻ con, các thành viên nữ trong gia đình, người yêu, hoặc bạn bè thân thiết.
- Sama: Kính ngữ này được dùng cho những người có địa vị cao hơn mình rất nhiều lần, hoặc dùng khi trò chuyện với khách hàng. Ngoài ra, nó cũng được dùng với ý nghĩa châm biếm, mỉa mai.
- Senpai: Được dùng để chỉ đồng nghiệp hoặc bạn học nhưng ở cấp cao hơn mình.
- Kōhai: Có ý nghĩa trái ngược với “-senpai”
- Sensei: Dành để biểu hiện sự kính trọng đối với những người đã đạt được thành tựu nào đó trong lĩnh vực của họ, chẳng hạn giáo viên, bác sĩ, nhà khoa học, chính trị gia…
- Shi: Được dùng trong các văn bản trang trọng, để đề cập đến một người không quen biết với mình
2. Cách cúi chào
Ở Nhật, cúi chào là một quy tắc giao tiếp rất quan trọng, được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Tất nhiên là có nhiều hình thức chào khác nhau, tùy vào từng hoàn cảnh:
- Chào mừng: Khi hai đối tác kinh doanh hoặc hai người có cùng địa vị xã hội chào mừng nhau, thì họ sẽ cúi chào một góc 15°.
- Chào trang trọng: Dành cho những người có địa vị cao hơn, chẳng hạn sếp hoặc giáo viên, góc chào là 30°.
- Chào cung kính: Bạn sẽ phải cúi người một góc 45° nếu làm sai điều gì đó và xin lỗi, hoặc khi gặp Thiên hoàng.
- Quỳ gối: Hành động này thể hiện sự ăn năn hối lỗi cực độ nếu bạn làm một điều gì đó rất không thể chấp nhận được.Tất nhiên, khách du lịch thì không phải thực hiện tất cả những hình thức cúi chào như trên, nhưng người Nhật sẽ rất vui nếu bạn cúi người một chút để chào họ.
3. Cách trao đổi danh thiếp
Nếu muốn trao đổi danh thiếp với người Nhật, bạn phải làm theo những bước sau đây:
- Phải chắc chắn rằng danh thiếp của bạn quay mặt về phía người đối diện.
- Trao bằng cả hai tay và không quên cúi chào.
- Nếu bạn có địa vị thấp hơn thì bạn trao danh thiếp thấp hơn.
- Sau khi nhận danh thiếp, bạn đặt nó lên chiếc ví đựng danh thiếp và nên bỏ ra vài giây để nhìn ngắm nó.
4. Quy tắc ngồi
Khi ngồi trên sàn nhà, người Nhật bao giờ cũng gấp chân lại và kẹp dưới đùi. Vì họ được rèn luyện kiểu ngồi này từ nhỏ nên không có vấn đề gì cả. Còn với khách du lịch thì kiểu ngồi đó sẽ là cực hình vì chân bạn sẽ bị tê chỉ sau vài phút. Nhưng nếu bạn là khách du lịch thì không ai phàn nàn gì cả nếu bạn ngồi trái với quy tắc thông thường.
5. Khi đi thang máy
Nếu bạn là người đầu tiên bước vào thang máy thì bạn sẽ trở thành người điều khiển thang máy. Có nghĩa bạn nên là người đứng gần nhất với bảng điều khiển, giữ cửa cho đến khi tất cả mọi người đều vào trong, đến mỗi tầng thì bạn cũng phải giữ cửa cho đến khi mọi người đã ra ngoài, và bạn là người cuối cùng rời khỏi thang máy. Vì thế nếu là khách du lịch và còn bỡ ngỡ thì tốt nhất bạn đừng là người đầu tiên bước vào thang máy.
6. Trên tàu điện ngầm
Có một số quy tắc mà bạn cần nắm rõ trên tàu điện ngầm, chẳng hạn không được nói chuyện, kể cả nói chuyện qua điện thoại, và không được nhìn người khác vì như thế rất bất lịch sự.
Thậm chí bạn cũng không nên nhường ghế cho người già. Trên tàu điện ngầm có những ghế đặc biệt dành riêng cho người già, người tàn tật, và phụ nữ có thai. Họ sẽ đến ngồi vào những ghế đó. Tất nhiên nếu bạn không thuộc những nhóm người đặc biệt này thì bạn không được ngồi vào những ghế đó.
7. Quy tắc đụng chạm thân thể
Người Nhật rất tôn trọng quyền tự do cá nhân và không gian cá nhân, chỉ nhìn vào mắt nhau là cũng bị xem bất lịch sự rồi, vì thế đụng chạm vào người nhau là điều cấm kỵ. Thậm chí việc hôn nhau nơi công cộng cũng không được khuyến khích.
8. Khi uống rượu
Người Nhật có thể rất nghiêm túc và đứng đắn trong công việc, nhưng khi đã vào quán rượu, tất cả mọi quy tắc đều bị phá bỏ. Giáo sư có thể chén cha chén chú với sinh viên, rồi được họ cõng về nhà nếu say quá không thể đi nổi. Các đối tác kinh doanh có thể ăn nhậu, hát karaoke với nhau, ói mửa, rồi ngủ ngay trên lề đường. Tất cả đều được xem là điều rất bình thường, không ai nói gì bạn cả.
9. Tiền
Người Nhật rất kỵ việc khoe tiền ra nơi công cộng. Họ thường cho tiền vào các phong thư trước khi đưa cho người khác. Nếu không có phong thư, họ gấp giấy lại làm phong thư. Ở siêu thị hoặc các cửa hàng, bạn cũng không nên đưa tiền trực tiếp cho thu ngân mà nên cho tiền vào khay đựng tiền.
10. Quà tặng
Ở Nhật có hai mùa tặng quà, đó là mùa hè và mùa đông, đây là nét văn hóa từ bao đời nay của họ. Khi nhận quà, bạn không nên mở quà ra ngay lập tức vì bạn sẽ được xem là tham lam và thiếu kiên nhẫn. Hơn nữa nó sẽ làm cho người tặng quà cảm thấy xấu hổ nếu món quà đó của họ quá khiêm tốn hoặc không vừa ý bạn.
11. Khi tạm biệt
Ở Nhật, đối tác kinh doanh và khách hàng luôn được xem như là Thượng Đế, luôn nhận được rất nhiều tôn trọng. Khi họ chào tạm biệt ra về, toàn bộ công ty sẽ theo chân họ ra đến cửa hoặc thang máy và cúi chào cho đến khi cửa đóng lại. Tuy nhiên, vì điều này thường gây ra nhiều bất tiện, đôi khi khiến các khách hàng nước ngoài lúng túng và xấu hổ, nên người Nhật ở thế hệ hiện tại đã bỏ bớt phong tục này.